Giới thiệu
Tin mới nhất
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước.
17/09/2024 -
Tin bài phòng chống THA, các yếu tố nguy cơ tim mạch (Phân tầng nguy cơ tim mạch ở người bệnh tăng huyết áp)
13/09/2024 -
NGÀY AN TOÀN NGƯỜI BỆNH THẾ GIỚI NGÀY 17/9/2024 “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự An toàn của Người bệnh”
13/09/2024 -
LỊCH TIẾP CÔNG DÂN THÁNG 9/2024
30/08/2024 -
THÔNG BÁO VỀ VIỆC THAY ĐỔI SỐ HOTLINE CHÍNH THỨC CỦA BỆNH VIỆN VỀ VIỆC KHÁM CHỮA BỆNH, GIẢI ĐÁP MỌI THẮC MẮC VÀ TƯ VẪN SỨC KHOẺ
27/08/2024
Quá trình xây dựng và phát triển
QUÁ TRÌNH 52 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN BỆNH VIỆN MAI SƠN
Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn hôm nay tiền thân là Bệnh viện Chiềng Cọ được thành lập năm 1965 địa điểm đầu tiên tại xã Chiềng Cọ huyện Mường La, tỉnh Sơn La tới năm 1971 đổi tên thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La ( Do sát nhập Bệnh viện Chiềng Cọ và Bệnh viện Nà Tre ) địa điểm tại Chiềng Cọ huyện Mường La, tới năm 1972 chuyển về địa điểm hiện nay. Năm 1976 đổi tên thành Bệnh viện đa khoa II Hát Lót ( Tức Bệnh viện đa khoa II Sơn La ) do bệnh viện khu tây bắc chuyển thành bệnh viện đa khoa I Sơn La . tới năm 1993 sát nhập với Phòng y tế huyện Mai Sơn và mang tên Trung tâm y tế huyện Mai Sơn từ năm 2006 được tách ra khỏi Trung tâm y tế Mai Sơn thành Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn.
1. Thời kỳ (1965 – 1975):
Năm 1965, Đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại ra miền bắc; bệnh viện ra đời, đáp ứng cho việc cấp cứu nạn nhân chiến tranh, thương, bệnh binh, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn và làm nghĩa vụ Quốc tế với nước bạn Lào; qui mô 30 giường tại xã Chiềng Cọ - Mường La – Sơn La. Số cán bộ có 20 người
Ban giám đốc bệnh viện gồm:
Bs Bạc Cầm Thiện - Trưởng ty Y tế kiêm Bệnh viện trưởng;
Bs Trần Huy Hạp - Bệnh viện phó phụ trách chuyên môn;
Ông Trữ Trắc Lộng - Bệnh viện phó phụ trách HC-QT-Kiến thiết cơ bản.
Trang thiết bị còn rất thô sơ, thiếu thốn: 01 máy Xquang, 01 kính hiển vi, 01 bàn mổ, 01 bàn đẻ…
Hoạt động trong điều kiện thời chiến hết sức khó khăn, cơ sở nhà tre, lợp gianh, vách liếp; nhưng đã tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị, kịp thời cấp cứu nạn nhân chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tỉnh, của Khu giao phó. Trong thời kỳ này do qui mô nhỏ, nhân lực ít, nên không chia thành khoa, phòng riêng.
Năm 1968, do yêu cầu công tác, một số cán bộ lãnh đạo Bệnh viện được điều chuyển công tác. Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó ty Lương thực tỉnh Sơn La được điều về giữ chức vụ Bệnh viện trưởng; Ys Lê Thị Hoa được tỉnh đề bạt chức vụ Bệnh viện phó.
Cuối năm 1969, Bs Nguyễn Đăng Lung từ Ban bảo vệ sức khoẻ tỉnh được điều về giữ chức vụ Bệnh viện trưởng thay ông Nguyễn Đình Tiến nghỉ hưu.
Năm 1970, Ys Lê Thị Hoa được cử đi học bác sĩ; Từ năm 1971 đến năm 1972 công tác lãnh đạo bệnh viện do Bs Nguyễn Đăng Lung phụ trách.
Năm 1966 đến 1971 Bệnh viện được tăng cường 7 Bác sĩ chủ yếu là các bác sĩ chuyên khoa : Ngoại, Sản, Nội, Nhi.
Ngày 06/3/1971, UBHC tỉnh ra quyết định số 23/QĐ-UB “Thành lập Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La do sát nhập bệnh viện Chiềng Cọ với bệnh viện Nà Tre .
Hệ thống tổ chức gồm 10 khoa, phòng : 5 khoa lâm sàng (Nội, Nhi, Sản, Ngoại, phòng khám đa khoa); 5 khoa phi lâm sàng (Dược, Xét Nghiệm, Dinh Dưỡng, X -Quang và phòng HC).
Tháng 5/1972, Bệnh viện chuyển từ nơi sơ tán về địa điểm mới xây dựng, thuộc đất của Bản Rồm - Hát Lót, nơi Bệnh viện đa khoa Mai Sơn đang ở hiện nay, trên diện tích hơn 3 ha, qui mô 200 giường bệnh. Cơ sở hạ tầng chủ yếu là nhà toóc xi lợp gianh, nền gạch. Riêng nhà mổ khoa ngoại, nhà đẻ khoa sản được xây nhà cấp IV, lợp ngói; phòng khám và nhà chuyên khoa lẻ là nhà gỗ toóc xi lợp ngói, tại thời điểm đó cơ ngơi tương đối khang trang.
Ban Lãnh đạo bệnh viện gồm có :
- Bs Nguyễn Đăng Lung, Bệnh viện trưởng
- Bs Nguyễn Văn Ngọc, Bệnh viện phó phụ trách chuyên môn
- Ông Phạm Ngọc Thuyết, Bệnh viện phó phụ trách đời sống kiêm thư ký Công đoàn Bệnh viện.
- Ông Phạm Văn Phao, Bí thư chi bộ đảng.
2. Thời kỳ Bệnh viện đa khoa II Hát Lót (1976 – 1993) :
Năm 1976, khi cơ quan tỉnh chuyển từ Bản Rồm, Hát Lót về Thị Xã (nay là Thành phố Sơn La); Bệnh viện khu được gọi là Bệnh viện đa khoa I; Bệnh viện tỉnh tại Hát Lót được gọi là Bệnh viện đa khoa II. Kể từ đây Bệnh viện đảm nhận vị trí số 2 của tỉnh; có nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân trong khu vực và chỉ đạo tuyến 5 huyện : Yên Châu; Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu và Mai Sơn. Kế thừa những thành tựu và qui mô tổ chức, 200 giường của Bệnh viện tỉnh để lại, bệnh viện đã duy trì mọi hoạt động chuyên môn, đặc biệt là cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, nội khoa, nhi khoa.
Ban lãnh đạo bệnh viện có :
- Bs Nguyến Tiến Đức - Bệnh viện trưởng
- Bs Đào Bá Dũng - Bệnh viện phó phụ trách chuyên môn
- Ông Phạm Ngọc Thuyết - Bệnh viện phó phụ trách HC-TC
- Ông Phạm Văn Phao - Bí thư chi bộ đảng.
- Tháng 11/1979 Bs Nguyễn Thanh Đức, được đề bạt chức vụ Bệnh viện phó thay ông Phạm Ngọc Thuyết nghỉ hưu.
Năm 1988, Bs Nguyễn Thanh Đức được đề bạt chức vụ Giám đốc Bệnh viện; Bs Trần Phương Nghi được đề bạt chức vụ Phó giám đốc phụ trách chuyên môn.
Năm 1990, Bs Hà Nam Tuấn được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc bệnh viện phụ trách chuyên môn, Bs Trần Phương Nghi chuyển sang phụ trách công tác HC-TC.
Đây là giai đoạn hết sức khó khăn: Trang thiết bị y tế lạc hậu, kinh tế của cả nước phát triển chậm, lạm phát tăng nhanh, nhiều cán bộ phải nghỉ làm kế hoạch III (không hưởng lương); biên chế giảm từ 150 cán bộ xuống còn 105 CB,nên phải lồng ghép khoa Đông y và khoa Nhi với khoa Nội thành khoa nội nhi đông y, giải thể khoa Dinh Dưỡng. Tuy vậy bệnh viện vẫn phải cử CB đi công tác ngoại viện 5 huyện được giao; những năm này cơ sở vật chất cũng bắt đầu xuống cấp, CBCNVC phải thay nhau đi lao động tu sửa nhà làm việc, nhà bệnh nhân, lấy củi để nấu ăn phục vụ người bệnh; kinh phí nhà nước cấp mua được giấy dầu lợp thay mái gianh, những nhà làm từ năm 1972; năm 1993 mới được ngói hoá dần các nhà gianh còn lại. Tổ chức lấy cây dựng đường điện nội viện, chạy điện cấp cứu và ánh sáng 2giờ/1tối cho bệnh nhân.
Trận lũ năm 1991, toàn bộ bệnh viện ngập trong nước; phải tổ chức mổ cấp cứu bệnh nhân và đỡ đẻ trong phòng nước ngập sâu trên nửa mét, nhiều ca mổ cấp cứu bằng ánh sáng đèn mang xông, đèn pin.
Năm 1992, được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ vốn xây dựng nhà mổ, mua máy phát điện, khoan giếng lấy nước pha chế huyết thanh để điều trị và nước sinh hoạt phục vụ bệnh nhân.
3. Thời kỳ 1993 – 2005 (Trung tâm Y tế Mai Sơn) :
Đầu năm 1993, Bệnh viện đa khoa sát nhập với phòng y tế thành Trung tâm Y tế, địa điểm đặt tại Bệnh viện đa khoa II Hát Lót.
Bệnh viện nằm trong TTYT vẫn Giữ nguyên mô hình 150 giường, 105 CB (trong đó 15 Bs, 02 Ds, 05 Y sĩ, còn lại là y tá, KTV, NHS và CB khác tổ chức biên chế tại 10 khoa phòng.
Phòng Y tế khi sát nhập có: Đội VSPD - CSR, Đội đặt vòng, Trung tâm DS-KHHGĐ (Chiềng Mai và Cò Nòi) và 20 Trạm y tế xã - thị trấn.
100 CB của Phòng y tế chuyển sang, trong đó có 3 Bs, 58 Ys, 39 YT và NHSSC.
Ban lãnh đạo giữ nguyên bộ máy của bệnh viện đa khoa II Hát Lót. Đến năm 1995, Bs Trần Thị Phương Nghi được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc, Bí thư chi bộ đảng thay Bs Nguyễn Thanh Đức nghỉ hưu; năm 1996 Bs Hà Nam Tuấn được điều lên Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Tỉnh, Bs Nguyễn Văn Lập và Bs Nguyễn Đăng Quang được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm.
Năm 2000, Chi bộ đảng phát triển lên Đảng bộ, có 5 chi bộ trực thuộc, Bs Nguyễn Đăng Quang được bầu Bí thư Đảng bộ.
Năm 2000 DS Đào Ngọc Châu được bổ nhiệm phó giám đốc trung tâm y tế phụ trách công tác dược
Năm 2003, Bs Nguyễn Văn Lập được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc thay Bs Trần Thị Phương Nghi nghỉ hưu.
Bs Trần Đắc Thắng được bổ nhiệm phó giám đốc phụ trách chuyên môn .
Tại thời điểm bàn giao trưởng, phó phòng y tế đều nghỉ hưu, Ban giám đốc mới chưa có kinh nghiệm quản lý của Phòng y tế và y tế dự phòng, cơ sở hạ tầng, chất lượng cán bộ của phòng y tế cũ rất hạn chế. Nhiều Trưởng trạm, Phó trưởng trạm y tế được đề bạt không có “quyết định”, trình độ chuyên môn y tá 3 tháng, 6 tháng, trình độ quản lý yếu. Cơ cấu cán bộ phân bố không đều, trạm không có y sĩ ngược lại trạm nhiều y sĩ. Cán bộ của các đội và Trung tâm KHHGĐ cũng cùng chung tình trạng với y tế các xã, thị trấn.
Trước khó khăn trên Ban giám đốc đã có đề án kiện toàn, củng cố hệ thống y tế toàn trung tâm, đặc biệt là y tế xã, y tế dự phòng. Mục tiêu xác định hàng đầu là công tác cán bộ, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho những năm tiếp theo, thay thế những cán bộ yếu kém, xây dựng cơ sở hạ tầng theo mô hình mới. phân công BsTrần Thị Phương Nghi, Huyện uỷ viên - Phó giám đốc trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác củng cố kiện toàn bộ máy: Khảo sát, kiểm tra đánh giá toàn bộ các trạm y tế xã, thị trấn, tiêu chuẩn hoá cán bộ nhất là cán bộ quản lý, cân đối nguồn lực, tăng cường cán bộ cho hệ dự phòng; chuyển số cán bộ đủ điều kiện sang y tế xã theo quyết định 58 của Chính Phủ, 100% xã có y sĩ là trưởng trạm, có NHS hoặc y sĩ sản nhi, phối hợp với trường y tế Sơn La tổ chức đào tạo 5 khoá y tá thôn bản phủ kín 100% bản có nhân viên y tế.
Năm 1994- 1995 các trạm y tế xã được xây dựng và đưa vào sử dụng, năm 1999 TTYT xây dựng nhà kỹ thuật và được bàn giao đưa vào sử dụng gồm : phòng mổ, các phòng xét nghiệm cùng máy Xquang, máy xét nghiệm huyết học, sinh hoá, xe cứu thương đánh dấu một bước tiến mới. Trung tâm có điều kiện đáp ứng các dịch vụ kỹ thuật, phục vụ tốt cho công tác chẩn đoán, điều trị tại Bệnh viện, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu kịp thời. Năm 2002, triển khai dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới Trung tâm y tế Mai Sơn; năm 2006 điều chỉnh thành dự án Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn.
Trong thời kỳ này đã thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh như: Các chương trình y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả. Thường xuyên có trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vaccin. Tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có vaccin phòng ngừa ở trẻ em đã giảm rõ rệt. Năm 2000, Mai Sơn được công nhận đã loại trừ được bệnh Phong, thanh toán được bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Là huyện trọng điểm sốt rét, với tỷ lệ mắc 6,6% năm 1991, từ 1995 đến nay, Mai Sơn không có dịch sốt rét, không có tử vong do sốt rét, tỷ lệ mắc giảm mạnh còn 0,37%0 dân số. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm mạnh. Triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản tới tận vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ, tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng.
4. Thời kỳ 2006 đến nay (Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn) :
Năm 2006 UBND tỉnh quyết định thành lập 10 Bệnh viện đa khoa huyện, trong đó Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn được tách ra từ TTYT với nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trong địa bàn huyện và các huyện lân cận. Chỉ tiêu giường bệnh được giao 180 giường (Bệnh viện 120 giường, 5 phòng khám ĐKKV 60 giường); biên chế 129 CBCC.
Ban giám đốc Bệnh viện gồm :
- BsCKI: Trần Đắc Thắng, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Bệnh viện
- BsCKI: Nguyễn Văn Long, Phó bí thư - Phó giám đốc Bệnh viện
- DsCKI: Đào Ngọc Châu, Đảng ủy viên - Phó giám đốc Bệnh viện.
- BsCKI: Phan Thị Thu - Phó giám đốc Bệnh viện.
Năm 2010 Bác sĩ Nguyễn Văn Long chuyển công tác. Năm 2012 Bác sỹ Nguyễn Tiến Thịnh, Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường được bổ nhiệm phó giám đốc bệnh viện.
Năm 2014 Bác sĩ Nguyễn văn Long được điều động bổ nhiệm giám đốc bệnh viện đa khoa Mai Sơn thay Bác sĩ Trần Đắc Thắng chuyển công tác
Bệnh viện đã đi sâu kiện toàn hệ thống tổ chức gồm 3 phòng chức năng (Tổ chức - Hành chính - Tài vụ , Kế hoạch nghiệp vụ, Điều dưỡng - 9 khoa chuyên môn (Nội Nhi, Ngoại, Sản, Hồi sức cấp cứu, Khoa khám bệnh - LCK, YHCT phục hồi chức năng , Truyền nhiễm, Dược - Vật tư y tế, XN - CĐ hình ảnh) 5 PKĐKKV (Chiềng Mai, Mường Chanh, Phiêng Cằm, Cò Nòi, Nà ớt ) và củng cố chi hội CCB, Hội CTĐ.
Từ Khi bệnh viện đi vào hoạt động, Ban giám đốc đã tranh thủ nhiều nguồn như vốn ngân sách Nhà nước, các chương trình dự án và các nguồn tài trợ... tiếp tục được đầu tư xây dựng, mở rộng các khoa phòng và các công trình phụ trợ góp phần làm thay đổi diện mạo của Bệnh viện,
Bệnh viện không ngừng đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ; cán bộ trưởng phó khoa, phòng đều đạt trình độ đại học trở lên; Bệnh viện liên tục cử cán bộ về các trường đại học trung ương, bệnh viện Tỉnh học tập nâng cao trình độ chuyên môn , và các chuyên ngành:, Siêu âm , Điện não đồ, điện tâm đồ, nội soi,… Qui tắc chuyên môn luôn được coi trọng, lề lối làm việc khoa học, định kỳ đều tổ chức hội thi Y tá giỏi. hàng năm đều tổ chức nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị. Qui chế hội chẩn, kiểm thảo tử vong, bình bệnh án, học chuyên môn đã đi vào nề nếp, chất lượng; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh, có phòng tiếp dân, thiết lập đường dây điện thoại nóng, hòm thư góp ý của bệnh nhân để cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và Y đức nghề nghiệp do vậy uy tín của bệnh viện với nhân dân ngày một cao.
- Tháng 7/2009 UBND tỉnh sơn la Quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dưng công trình Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn với tổng mức đầu tư 35 tỷ.765,8 triệu đồng. Cơ sở hạng tầng đầy đủ, khang trang với hệ thống xây dựng công trình bao gồm 08 khu nhà 2 tầng, 04 nhà 1 tầng; được bố trí khoa học theo phân khu: Hành chính, Lâm sàng, cận lâm sàng, xen kẽ khuôn viên vườn khoa cây cảnh, sân chơi... có hệ thống điện ưu tiên riêng cho bệnh viện đảm bảo bệnh viện hoạt động một cách đồng bộ, chất lượng. bệnh viện đạt tiêu chuẩn xanh sạch đẹp
Năm 2013 chỉ tiêu giường bệnh tăng lên 200 giường (tại bệnh viện: 160 giường, phòng khám đa khoa khu vực: 40 giường).
- Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: Ban giám đốc 04 đồng chí; 04 phòng chức năng, 12 khoa chuyên môn, 03 phòng khám ĐKKV trực thuộc ( giải thể Phòng khám ĐKKV Cò Nòi và phòng khám ĐKKV Nà ớt ).
- Năm 2015 Bs Phan Thị Thu nghỉ hưu, Bệnh viện được bổ nhiệm bổ sung 01 phó giám đốc.
Năm 2016 đến nay, Ban giám đốc Bệnh viện gồm:
- BsCKI: Nguyễn Văn Long, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Bệnh viện
- DsCKI: Đào Ngọc Châu, Phó bí thư - Phó giám đốc Bệnh viện
- BsCKI: Nguyễn Xuân Trường – Đảng ủy viên - Phó giám đốc Bệnh viện.
- Bs,thạc sĩ: Lê Thái Hà – Đảng ủy viên - Phó giám đốc Bệnh viện.
* Tổng số biên chế hiện tại gồm: 179 công chức, viên chức.
Trong đó :
- Bác sĩ chính 01;Thạc sĩ: 02; Bác sĩ::28;Dược sĩ chính: 01; Dược sĩ 04 (trong đó sau đại học 01);
- Y sĩ : 22, Điều dưỡng : 52, Hộ sinh : 10, Kỹ thuật viên Y : 13, Dược sĩ trung cấp : 14, Viên chức khác : 32
* Trình độ lý luận : - Cử nhân : 01; - Trung cấp : 08;
* Quản lý Nhà nước : 16.
- Hoạt động khám chữa bệnh: bệnh viện áp dụng hiệu quả một số kỹ thuật cao trong điều trị như: Cắt đốt cổ tử cung qua máy soi cổ tử cung; Khâu rách kết mạc do chấn thương; Kết hợp xương. Chẩn đoán cận lâm sàng đã triển khai thực hiện kỹ thuật Soi cổ tử cung; Siêu âm đo mật độ loãng xương; Triển khai thực hiện 2 kỹ thuật chụp Xquang và Điện tim tại 3 phòng khám ĐKKV. Ngoài việc triển khai thực hiện qui định phân tuyến kỹ thuật, danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh theo quyết định số 23/2005/QĐ-BYT ngày 30/8/2005 của Bộ y tế phân tuyến theo qui định, bệnh viện còn thực hiện được > 40 danh mục kỹ thuật vượt tuyến. Đặc biệt năm 2014 Bệnh viện đã mổ nội soi cho bệnh nhân; Trang thiết bị máy móc được đầu tư tương đối đầy đủ so với bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đặc biệt trang thiết bị máy móc hiện đại như: Hệ thống phẫu thuật nội soi, máy chụp, chiếu Xquang, siêu âm màu 4 chiều, điện não đồ, điện tim đồ, máy đo độ loãng xương…đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong thời kỳ mới.
- Trong giai đoạn này bệnh viện đã thành lập được khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân
- Cải cách, đổi mới thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh : Triển khai hệ thống gọi số tự động đăng ký khám chữa bệnh; Thực hiện hiệu quả công tác quản lý khám chữa bệnh trên hệ thống phần mềm máy tính mạng LAN.
- Công tác nghiên cứu khoa học : tổng số 83 đề tài nghiên cứu khoa học.
- Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới hiện nay, lãnh đạo Bệnh viện đã triển khai thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính Phủ qui định cơ chế tự chủ của vị sự nghiệp công lập. Hàng năm, bệnh viện đã xây dựng, sửa đổi bổ sung qui chế chi tiêu nội bộ, trình Sở Y tế thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả tại đơn vị. Tiền lương của người lao động hàng tháng được tăng thêm đáng kể, góp phần cải thiện đời sống của CBVC trong bệnh viện.
Triển khai thực hiện công tác đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư hoá chất, trang thiết bị máy móc phục vụ bệnh nhân theo đúng Luật Đấu thầu đảm bảo sự minh bạch, công khai, tiết kiệm trong chi tiêu.
Công tác chuyên môn: Tại các khoa phòng, bố trí khoa học, có đầy đủ bảng, biển chỉ dẫn chi tiết; Đặc biệt tại khoa Khám bệnh - Liên chuyên khoa bộ phận đón tiếp, các bốc khám bố trí đội ngũ cán bộ viên chức trẻ, có trình độ, sức khoẻ, nhiệt tình, năng động tiếp đón, chu đáo hướng dẫn người bệnh tiến hành các bước thủ tục khám chữa bệnh; Khu hành lang khoa Khám bệnh - Liên chuyên khoa và khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh được bố trí đầy đủ có thiết bị cung cấp nước uống cho người bệnh ; hệ thống ti vi, ghế chờ, loa thông báo, viên chức hướng dẫn trực tiếp từ khâu ban đầu về thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi, sự tin tưởng yên tâm cho mọi người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện.
Thực hiện niêm yết công khai giá dịch vụ y tế đến từng khoa, phòng; qui định rõ giờ thăm bệnh nhân; tổ chức bộ phận bảo vệ thường trực 24/24 kiểm soát lượng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện; nâng cấp toàn bộ hệ thống công trình vệ sinh, hệ thống điện nước nhằm đáp ứng đầy đủ chế độ , quyền lợi được hưởng của người bệnh khi đến khám, điều trị nội trú tại bệnh viện.
Đồng thời với việc chăm lo công tác chuyên môn, Đảng, chính quyền, và các đoàn thể còn luôn quan tâm tới phong trào văn nghệ, TDTT; thành lập đội văn nghệ, đội bóng chuyền nam, nữ, đội cầu lông thường xuyên luyện tập nâng cao sức khoẻ, tham gia thi đấu các giải của ngành, của huyện tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn hàng năm.
Sau 52 năm xây dựng và phát triển từ một cơ sở có 30 giường bệnh và 20 cán bộ tới nay bệnh viện đã có một cơ ngơi khang trang với 200 giường bệnh 179 cán bộ có trình độ chuyên môn và trang thiết bị y tế hiện đại cùng với một mạng lưới Y tế thôn bản và 22 trạm y tế xã đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong huyện./.