Các chuyên khoa
Tin mới nhất
-
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
15/11/2024 -
Tuyên truyền Phòng tránh những mối nguy hiểm trên không gian mạng và Thanh toán không dùng tiền mặt - lợi ích và lưu ý
15/11/2024 -
KỸ NĂNG NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN
14/11/2024 -
BÀI HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS năm 2024
10/11/2024 -
Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11 và ngày toàn dân mua và sử dụng muối I ốt 02/11, phòng chống các rối loạn do thiếu I ốt
02/11/2024
Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh
QUY CHẾ CÔNG TÁC KHOA XÉT NGHIỆM
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Khoa xét nghiệm là cơ sở thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh và theo dõi kết quả điều trị.
2. Phải bảo đảm an toàn cho các thành viên trong khoa và môi trường xung quanh.
3. Việc quản lý trang thiết bị theo đúng quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1. Tổ chức cơ sở:
a. Khoa xét nghiệm phải được bố trí ở nơi thuận tiện cho người bệnh nội trú và ngoại trú, bảo đảm các yêu cầu:
- Có nơi chờ lấy bệnh phẩm, nơi nhận bệnh phẩm, nơi rửa chai lọ khử khuẩn.
- Labô huyết học, labô hóa sinh, labô vi sinh.
- Nơi làm việc của trưởng khoa, nơi thường trực.
- Buồng vệ sinh, buồng tắm có đủ nước sạch, nước nóng cho các thành viên trong khoa vệ sinh, tẩy uế trước khi ra về.
b. Việc thiết kế, xây dựng các labô phải bảo đảm các yêu cầu:
- Tường các labô phải ốp gạch men kính chịu acid tới trần nhà.
- Nền nhà cao ráo, thoát nước, lát gạch men màu, nhẵn, không thấm nước.
- Đủ ánh sáng theo quy định, đường điện lắp ngầm trong tường.
- Có cửa thông gió; đối với labô hóa sinh phải có hệ thống “hotte” chụp hút khí thải.
- Mặt bàn xét nghiệm phải lát gạch men kính, chịu acid, có hệ thống chậu rửa, vòi nước sạch lắp ngay tại bàn.
- Hệ thống cống phải kín, thoát nước nhanh.
2. Hoạt động của khoa:
a. Lấy bệnh phẩm và nhận bệnh phẩm:
- Y tá (điều dưỡng) khoa điều trị có trách nhiệm:
+ Lấy bệnh phẩm thường quy của người bệnh nội trú, mang theo phiếu yêu cầu xét nghiệm có ghi đủ các mục quy định và có chữ ký của bác sĩ điều trị giao cho khoa xét nghiệm.
+ Bệnh phẩm có khả năng lây nhiễm phải dán nhãn màu đỏ.
+ Trường hợp xét nghiệm có yêu cầu phân tích chính xác, phải đưa người bệnh tới khoa xét nghiệm trực tiếp lấy bệnh phẩm.
- Trưởng khoa xét nghiệm có trách nhiệm:
+ Cung cấp đầy đủ dụng cụ, phương tiện để y tá (điều dưỡng) khoa điều trị lấy bệnh phẩm đúng quy cách.
+ Bố trí viên chức có trình độ chuyên môn kỹ thuật để nhận bệnh phẩm thường quy, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về số lượng, chất lượng, thời gian lấy bệnh phẩm.
- Kỹ thuật viên xét nghiệm thực hiện:
+ Nhận bệnh phẩm thường quy đến 10 giờ sáng hàng ngày đối với người bệnh nội trú.
+ Bệnh phẩm cấp cứu phải nhận ngay, ghi rõ giờ nhận vào phiếu yêu cầu xét nghiệm.
+ Trường hợp cấp cứu, chăm sóc cấp 1, lấy bệnh phẩm tại giường bệnh.
+ Lấy bệnh phẩm tại khoa xét nghiệm cho người bệnh ngoại trú, người bệnh đến khám bệnh.
b. Thực hiện kỹ thuật xét nghiệm:
- Bác sĩ và kỹ thuật viên tiến hành làm các xét nghiệm theo đúng quy định kỹ thuật, ưu tiên các xét nghiệm cấp cứu và tính đặc thù của xét nghiệm cần được làm kịp thời.
+ Thực hiện kỹ thuật phải bảo đảm chính xác, trung thực.
+ Kết quả xét nghiệm phải được ghi rõ ràng, đầy đủ vào phiếu xét nghiệm và sổ lưu theo quy định.
- Trước khi trả kết quả xét nghiệm trưởng labô hoặc viên chức có trình độ kỹ thuật cao nhất có trách nhiệm kiểm tra lại kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp kết quả có nghi vấn phải báo cáo trưởng khoa để đối chiếu với lâm sàng, khi cần phải xét nghiệm lại.
- Trưởng khoa xét nghiệm phải kiểm tra lại kết quả xét nghiệm và ký trước khi trả kết quả cho khoa điều trị; bệnh phẩm còn lại chỉ được hủy sau khi trưởng khoa đã ký duyệt.
- Kỹ thuật viên khoa xét nghiệm trả kết quả xét nghiệm đầy đủ, đúng thời gian quy định vào buổi chiều trong ngày và sáng hôm sau tại khoa điều trị.
- Kết quả xét nghiệm cấp cứu do y tá (điều dưỡng) khoa điều trị trực tiếp đến lấy tại khoa xét nghiệm, chậm nhất không quá hai giờ kể từ khi nhận bệnh phẩm.
- Thực hiện việc thường trực theo quy chế thường trực.
3. Quản lý và sử dụng hóa chất, thuốc thử và thiết bị y tế:
a. Hóa chất và thuốc thử:
- Bác sĩ và kỹ thuật viên khoa xét nghiệm có nhiệm vụ thực hiện việc quản lý và sử dụng hóa chất và thuốc thử theo đúng quy chế sử dụng thuốc.
Đặc biệt chú ý:
- Hóa chất nguy hiểm, độc, ăn mòn, cháy nổ.
- Các sinh phẩm làm thuốc thử phải bảo đảm chống ẩm, chống ánh sáng, chống nhiệt độ thấp.
- Việc bảo quản hóa chất, thuốc thử phải bảo đảm chất lượng, để tránh sai số cho kết quả xét nghiệm.
b. Thiết bị y tế, dụng cụ chính xác:
- Trưởng khoa xét nghiệm bác sĩ và các kỹ thuật viên phải thực hiện quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế.
- Bác sĩ, kỹ thuật viên khi sử dụng thiết bị, dụng cụ phải đúng mục đích, thao tác nhẹ nhàng, tỉ mỉ, chính xác.
4. An toàn lao động:
a. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm tạo điều kiện:
- Trang bị cho khoa các phương tiện bảo hộ lao động.
- Các thành viên trong khoa được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định.
b. Trưởng khoa xét nghiệm có trách nhiệm:
- Xây dựng nội quy bảo hộ lao động.
- Tổ chức học tập, hướng dẫn cho bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa và học viên đến thực tập tại khoa; chỉ sau khi được hướng dẫn, học tập và được trưởng khoa đồng ý mới được sử dụng máy.
- Quy định việc quản lý và sử dụng các hóa chất độc, các chủng vi sinh độc, mạnh; các dụng cụ điện, các bình khí nén.
- Trang bị cơ số thuốc và phương tiện dụng cụ cấp cứu.
- Kiểm tra các thành viên thực hiện nội quy, quy chế bệnh viện.
c. Các thành viên làm việc trong khoa phải được:
- Đào tạo sử dụng thành thạo các thiết bị chuyên khoa.
- Trước khi ra về phải tắt nguồn điện bảo đảm an toàn.
- Khi tiếp xúc với các sinh phẩm có khả năng lây bệnh (nhãn đỏ) phải thận trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
- Học tập có kiến thức để phòng tránh và cứu người khi gặp trường hợp không may bị bỏng kiềm, bỏng acid, bỏng nhiệt, ngộ độc, giật điện, cháy nổ…
5. Trật tự, vệ sinh và vô khuẩn:
a. Trưởng khoa xét nghiệm có trách nhiệm:
- Xây dựng các quy định về việc hủy bệnh phẩm còn lại, xác súc vật thí nghiệm và khử khuẩn các dụng cụ bẩn.
- Đôn đốc, kiểm tra các thành viên trong khoa thực hiện các quy định về vệ sinh cá nhân, quy chế trang phục y tế trong giờ làm việc; hàng ngày phải thay quần áo công tác.
b. Các thành viên trong khoa có nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trật tự nơi làm việc, mọi dụng cụ phải xếp đặt đúng nơi quy định, không dán giấy đóng đinh lên tường nhà; thùng rác phải có nắp đậy.
c. Hộ lý thực hiện hằng ngày lau nền nhà bằng các dung dịch sát khuẩn đối với các phòng xét nghiệm huyết học, vi sinh.
d. Nghiêm cấm:
- Đổ bệnh phẩm còn lại, tiêu bản đã xét nghiệm trực tiếp xuống cống hoặc qua chậu rửa ở bàn xét nghiệm, chưa được xử lý.
- Tiếp khách, ăn uống trong phòng xét nghiệm.
QUY CHẾ CÔNG TÁC KHOA CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Khoa chẩn đoán hình ảnh là cơ sở thực hiện các kỹ thuật tạo ảnh y học để chẩn đoán bệnh và theo dõi kết quả điều trị, bằng các thiết bị X-quang, siêu âm, cộng hưởng từ…
2. Cơ sở hạ tầng của khoa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn và kiểm soát bức xạ.
3. Việc quản lý các thiết bị của khoa phải chặt chẽ, theo đúng quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế; việc sử dụng thiết bị phải đạt hiệu quả kinh tế cao.
4. Trước khi sử dụng thiết bị mới, người vận hành phải được đào tạo.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1. Tổ chức cơ sở:
a. Khoa chẩn đoán hình ảnh được bố trí ở địa điểm thuận tiện theo đúng pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ, ít nhất phải có:
- Nơi tiếp đón người bệnh.
- Nơi người bệnh ngồi chờ.
- Buồng chiếu, chụp cho mỗi máy, có buồng vệ sinh cho người bệnh sau thụt tháo.
- Buồng chiếu, chụp các kỹ thuật đặc biệt.
- Buồng rửa phim, in ảnh.
- Buồng chuẩn bị thủ thuật.
- Buồng bảo quản phim ảnh, hóa chất.
- Buồng đọc kết quả.
- Buồng trưởng khoa.
- Buồng hành chính.
b. Buồng đặt thiết bị phải thoáng rộng, trần nhà cao ít nhất 3m50, tường gạch trát barít, cửa có ốp tấm chì, nền nhà cao ráo, cách điện.
c. Đường điện 3 pha riêng biệt, điện ưu tiên, bảo đảm an toàn và đủ công suất cho máy hoạt động.
2. Nhiệm vụ của các bác sĩ và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh:
a. Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng các thiết bị: X-quang, siêu âm, cộng hưởng từ…, theo yêu cầu của bác sĩ lâm sàng.
b. Phải thực hiện chiếu, chụp và trả kết quả ngay đối với người bệnh cấp cứu. Các trường hợp khác kết quả được trả trong ngày và có ký sổ giao nhận.
c. Trước khi khám xét phải kiểm tra đối chiếu giấy yêu cầu có ghi đầy đủ các mục của bác sĩ lâm sàng.
d. Khi thực hiện kỹ thuật chẩn đoán đặc biệt qua da, qua thành mạch, qua nội soi… phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, đúng quy định kỹ thuật bệnh viện.
- Chụp phim phải đạt yêu cầu, xem phim ướt đạt yêu cầu mới cho người bệnh về.
e. Trên phim và ảnh phải ghi rõ và đủ: Họ tên, tuổi, ngày tháng năm, ký hiệu vị trí phải, trái chính xác của cơ thể người bệnh.
g. Phải chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc và dụng cụ cấp cứu.
h. Phải niêm yết giờ, tên, chức danh bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc trong ngày và phiên thường trực.
i. Phải tổ chức lưu trữ, bảo quản một số phim, hình ảnh điển hình phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học giảng dạy.
3. Thực hiện kỹ thuật đặc biệt:
a. Bác sĩ, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh có trách nhiệm:
- Bảo đảm an toàn cho người bệnh khi thực hiện các thủ thuật và kỹ thuật đặc biệt.
- Trước khi thực hiện thủ thuật, kỹ thuật đặc biệt phải:
+ Đối chiếu kết quả chẩn đoán lâm sàng và các xét nghiệm khác của người bệnh.
+ Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ và chọn thuốc đối quang thích hợp.
+ Kiểm tra lại thiết bị, phim ảnh.
- Vệ sinh, tẩy uế, khử khuẩn buồng chiếu, chụp các kỹ thuật đặc biệt sau mỗi buổi làm việc.
b. Bác sĩ điều trị có trách nhiệm:
- Phải cân nhắc khi chỉ định kỹ thuật đặc biệt phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe người bệnh.
- Phải giải thích cho người bệnh và gia đình người bệnh hiểu ký giấy cam đoan thực hiện kỹ thuật đặc biệt.
- Trong khi thực hiện thủ thuật nếu có diễn biến bất thường phải giải quyết cấp cứu ngay.
- Khi thực hiện xong kỹ thuật đặc biệt, bác sĩ điều trị và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh kết hợp theo dõi và quyết định cho người bệnh về khoa điều trị.
- Trong trường hợp cần phải thay đổi phương pháp chẩn đoán hình ảnh phải có sự bàn bạc thống nhất giữa bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ điều trị.
4. Quản lý thiết bị y tế:
a. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm:
- Tạo điều kiện trang bị các phương tiện chống ẩm, chống nóng, chống cháy, chống chuột, chống gián; nguồn điện ổn định và an toàn.
- Ra quyết định phân công người sử dụng và bảo quản thiết bị theo đề nghị của trưởng khoa.
b. Bác sĩ trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh có trách nhiệm:
- Lập lý lịch, xây dựng nội quy, quy định vận hành thiết bị. Nội quy, quy định phải đặt ngay tại tủ điều khiển và tại thiết bị.
- Kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế trong khoa.
c. Người vận hành thiết bị có trách nhiệm:
- Không sử dụng thiết bị quá công suất quy định.
- Thực hiện chế độ bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ.
- Khi có sự cố phải ngắt điện vào máy, phải báo cáo trưởng khoa, trưởng phòng vật tư kỹ thuật đến kiểm tra, lập biên bản, quy trách nhiệm và ghi các hư hỏng, thay thế vào hồ sơ lý lịch thiết bị và có kế hoạch sửa chữa kịp thời; không ai được tự động sửa chữa.
- Khi lắp đặt, sửa chữa, thay thế phụ tùng thiết bị y tế người vận hành phải có mặt để theo dõi và giám sát.
- Không được bỏ vị trí làm việc khi thiết bị đang hoạt động.
5. An toàn và kiểm soát bức xạ:
a. Bác sĩ điều trị:
- Không được lạm dụng chiếu, chụp X-quang.
- Hạn chế chiếu, chụp X-quang cho trẻ em, phụ nữ có thai, cho con bú.
- Phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ chỉ nên khám X-quang trong nửa chu kỳ đầu của vòng kinh.
b. Trưởng khoa và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh:
- Từng bước đổi mới các thiết bị y tế để giảm liều xạ cho người bệnh.
- Kiểm tra, đôn đốc mọi thành viên thực hiện nội quy, quy chế bệnh viện.
- Thực hiện chế độ bồi dưỡng, nghỉ cho mọi thành viên trong khoa theo chế độ ban hành.
c. Các thành viên trong khoa:
- Phải được đào tạo có kiến thức về an toàn và kiểm soát bức xạ.
- Khi vận hành thiết bị phải mang phương tiện phòng hộ tia X theo quy định.
- Trong thời gian ở trong khoa, hàng ngày phải đeo liều kế trên người.
- Liều nhiễm tia X không được vượt quá mức quy định.
- Khi chiếu, chụp X-quang cho người bệnh phải che chắn vùng sinh dục, thu hẹp loa tụ quang, khu trú đúng vào bộ phận cần thăm khám.
III. Tổ chức
1. Trưởng khoa: Bs. Nguyễn Thu Phương
2. Phó trưởng khoa: CN. Trần Thị Doan
3. KTV trưởng khoa: CN. Nguyễn Tiến Thành